Hôm nay là tròn 2 tuần từ ngày mình tiêm vaccine phòng covid-19. Tranh thủ ghi lại vài dòng để kỷ niệm đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất từ xưa tới nay trên toàn thế giới. Mặc dù có nhiều tranh luận về việc tiêm hay không tiêm, nên tiêm vaccine nào v.v… bài chia sẻ này chủ yếu tập trung vào việc theo dõi triệu chứng sau tiêm chủng, cụ thể trên trải nghiệm cá nhân của mình. Trong bài này mình cũng chia sẻ một vài phương pháp kiểm soát triệu chứng dễ thực hiện hỗ trợ cơ thể nhanh hồi phục. Các chỗ có mở ngoặc đánh số sẽ có bài viết tham khảo ở cuối bài. Dù đã cố gắng tổng hợp thông tin nhưng có thể không tránh khỏi thiếu sót, mong các bạn thông cảm.
- TÌM HIỂU VÀ RA QUYẾT ĐỊNH
Trước khi tiêm mình đã tìm hiểu về các loại vaccine. Dù có một số tiêu chí chung, mỗi loại vaccine vẫn có những điểm khác biệt trong sàng lọc đối tượng tiêm chủng. Khi bạn hiểu về các loại vaccine (0) và hiểu tình hình sức khỏe của bản thân, bạn sẽ dễ dàng ra quyết định hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các tin tức trái chiều.

Quyết định có thể là sẵn sàng có loại nào tiêm loại đó, cũng có thể là chờ đến khi có loại phù hợp với sức khỏe (nhấn mạnh là sức khỏe, không bàn đến tâm lý kén chọn vaccine). Hiện tại ở khu mình sống, những người tuổi cao và (hoặc) có bệnh nền thuộc diện ưu tiên tiêm các loại vaccine của Mỹ như Pfizer/Moderna và tiêm trong bệnh viện nơi có đủ phương tiện cấp cứu. Sinopharm theo như mình tìm hiểu thì vaccine này chủ yếu có hiệu quả với nhóm 18-60 tuổi, chưa có đánh giá hiệu quả cụ thể cho người cao tuổi và có bệnh nền (1).
2. CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐI TIÊM
Quay trở lại vấn đề chính, tìm hiểu các phản ứng có thể gặp sau tiêm và chuẩn bị giải pháp để ứng phó. Có 2 lý do bạn nên cân nhắc để chuẩn bị chu đáo cho việc tiêm chủng lần này, thứ nhất là các biến chứng sau tiêm vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Thứ hai là hệ thống y tế đang quá tải, xe cấp cứu có thể sẽ không đến được, số điện thoại của các trung tâm cấp cứu có thể sẽ không liên hệ được.
Xưa giờ mình đi tiêm cũng nhiều, hồi đại học bị va quẹt xe máy phải tiêm uốn ván, rồi thời đi làm phải tiêm rubella v.v… nên chuyện tiêm vaccine với mình kỳ thực không có gì lạ lẫm, nhưng hoàn cảnh xã hội lần này không giống với các lần trước. Ai cũng hy vọng mọi chuyện tốt đẹp nhưng vẫn nên chuẩn bị cho tình huống không mong đợi đúng không?

Bắt đầu nhé! Trước ngày tiêm cố gắng đi ngủ sớm, giảm tải công việc, ăn uống tập luyện điều độ để nâng tổng trạng. Nếu bạn chưa bao giờ tập luyện thì đây chính là lúc để bắt đầu. Các bộ môn tập luyện chú trọng rèn luyện hơi thở như yoga, khí công… sẽ rất hữu ích trong giai đoạn này.
Sau tiêm bạn có thể sẽ bị mệt trong một vài ngày, hãy thu xếp dọn dẹp nhà cửa phòng ốc trước, chuẩn bị thuốc men, thực phẩm, danh sách các số điện thoại khẩn cấp (2) và sắp xếp các giấy tờ cá nhân để ở chỗ người thân dễ tìm, phòng khi hữu sự.
Đa số mọi người sẽ xuất hiện các triệu chứng trong 24 giờ sau tiêm và bình thường trở lại sau 48-72 giờ. Tuy nhiên thời gian theo dõi sau tiêm là 4 tuần, đặc biệt là 7 ngày đầu. Tốt nhất nên có người bên cạnh để hỗ trợ, đặc biệt trong những ngày đầu.
Chuẩn bị tâm lý rồi thì đi tiêm sẽ thoải mái nhẹ nhàng hơn. Mình tiêm về khoảng 2-3 tiếng sau có cảm giác lừ đừ hơi buồn ngủ. 8 tiếng sau tiêm bắt đầu thấy hơi gai gai lạnh, sau đó người bắt đầu nóng lên. 10 tiếng sau tiêm sốt 39 độ. Để an toàn, bạn nên tìm hiểu các triệu chứng có thể gặp sau tiêm (3), đặc biệt là các biến chứng sau tiêm để phản ứng kịp thời.
3. THEO DÕI SINH HIỆU (CHỈ SỐ SINH TỒN) SAU TIÊM

Có 4 chỉ số sinh hiệu chính là huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ. Các bạn nên đo trước và sau khi tiêm để biết sự chuyển biến của cơ thể. Các phản ứng thường gặp là tăng huyết áp, hạ huyết áp, sốt, tăng nhịp tim… Việc theo dõi sinh hiệu sẽ giúp dự báo các tình huống nguy hiểm để bạn và người thân kịp thời phản ứng. Thông thường các máy đo huyết áp sẽ đo được cả huyết áp và nhịp tim, để đo nhiệt độ cần nhiệt kế, nhịp thở bạn có thể tự đếm.

Nếu huyết áp của bạn thường dưới 90/60, bạn có xu hướng huyết áp thấp. Huyết áp bình thường trong khoảng 90-120/60-80. Và các phân độ huyết áp tiếp theo như bảng trên.
Sở dĩ các bạn nên đo trước khi tiêm vì có trường hợp huyết áp là 90/60, vài tiếng sau tiêm huyết áp tăng lên 120/80. Như vậy chỉ số tâm thu tăng 30 số và có thể được xem là tăng huyết áp. Nếu người này không biết xu hướng huyết áp của bản thân sẽ tưởng rằng huyết áp vẫn bình thường. Dĩ nhiên việc gọi cấp cứu hay không còn phụ thuộc vào triệu chứng cơ thể có bất thường như có bị đau đầu, khó thở, choáng váng xây xẩm v.v… hay không. Trong trường hợp có triệu chứng đau đầu chẳng hạn và xác định là tăng huyết áp thì cần liên hệ cấp cứu sớm.
Tại điểm tiêm vaccine, nhân viên y tế sẽ đo huyết áp cho bạn nhưng huyết áp đó có thể bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Một số người có thể bị tăng hoặc hạ huyết áp khi chuẩn bị tiêm do hồi hộp, lo lắng. Do đó đo ở nhà từ hôm trước sẽ chính xác hơn. Nếu bạn chưa có kỹ năng đo sinh hiệu, bạn có thể tham khảo video sinh hiệu là gì và hướng dẫn đo sinh hiệu nhé.
Ngoài việc thay đổi huyết áp, sốt cũng là triệu chứng phổ biến sau tiêm vaccine, mức độ nặng nhẹ tùy cơ thể mỗi người. Khi sốt thì nên dành thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn, có thể nghe nhạc hay làm gì đó nhẹ nhàng chứ không nên làm việc căng thẳng, để hệ miễn dịch được thoải mái hoạt động.
Nhiều bạn không biết rằng đo nhiệt độ ở nách thì phải cộng thêm 0.5 độ mới ra nhiệt độ trung tâm. Nhiệt độ trung tâm chỉ đo được ở hậu môn. Nếu đo ở các vị trí khác như miệng, nách, trán phải cộng thêm 0.3 – 0.7 độ, trung bình là 0.5. Nhiệt độ trung tâm từ 38 độ trở lên là sốt (tương đương với 37.5 độ đo ở nách), từ 39 độ trở lên là sốt cao, 40 độ trở lên là sốt rất cao và 42 độ được coi là giới hạn của sự sống. Trong trường hợp sốt cao, uống thuốc hạ sốt mà sau 2 tiếng nhiệt độ cơ thể vẫn không hạ thì cần phải gọi cấp cứu (4)
Chỗ này phải nói thêm một chút, sốt là phản ứng có lợi của cơ thể để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động. Vấn đề là khi sốt quá cao và không kiểm soát được thân nhiệt thì các chức năng trong cơ thể bị rối loạn, có thể dẫn tới tử vong. Để đề phòng biến chứng, các hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng hiện tại đều khuyến cáo đo thân nhiệt thường xuyên, nếu sốt từ 38.5 độ (nhiệt độ trung tâm) thì nên uống thuốc hạ sốt.
Tây y cũng có hai luồng quan điểm, một bên cho rằng nên để cơ thể sốt (đến một ngưỡng nhất định) để hệ miễn dịch hoạt động, một bên cho rằng sốt nên tìm cách hạ sốt ngay để phòng biến chứng. Hai quan điểm này nên áp dụng tùy hoàn cảnh. Nếu bạn vào cơn sốt lúc nửa đêm, lúc đó uống thuốc hạ sốt để ngủ ngon sẽ tốt cho cơ thể hơn và cũng an toàn hơn. Bên cạnh đó với tình hình hệ thống y tế khó tiếp cận như hiện tại, việc để cơ thể sốt cao mà không dùng thuốc hạ sốt cũng đi kèm với nhiều rủi ro hơn.
4. CHUYỆN TẬP LUYỆN
Khi sốt và nhịp tim tăng cao bạn hầu như chỉ đủ sức để nằm thở. Nếu bạn từng tập yoga thì lưu ý các bài thở gắng sức như thở bụng, thở luân phiên v.v… đều chống chỉ định thực hiện trong trường hợp này nhé. Bạn có thể thử một bài thở khác là Sitkari giúp làm mát cơ thể và rất dễ thực hiện kể cả với những người chưa từng tập yoga.

Kỹ thuật của bài này cắn hai hàm răng lại và hít vào qua kẽ răng (cắn cho 2 hàm khít lại thôi chứ không cần cắn chặt sẽ mỏi cơ hàm). Bạn sẽ cảm nhận được hơi mát từ bên ngoài tràn vào khoang miệng và đi xuống cổ họng. Kỹ thuật chính xác là hít vào bằng miệng, thở ra bằng mũi, nhưng thở ra bằng mũi phải dùng cơ hoành, do đang sốt và nhịp tim tăng cao, mình duy trì được vài phút thấy mệt nên hít miệng thở miệng luôn.
Quan trọng là hít vào chậm rãi, thở ra cũng chậm rãi. Đưa bàn tay lên trước miệng có thể cảm nhận hơi nóng phà vào bàn tay ở mỗi hơi thở ra (lúc bình thường tập bài này chỉ cảm thấy một luồng hơi ấm nhẹ thôi). Cứ như vậy khi nào mệt thì nghỉ, rồi lại tiếp tục.
Từ lúc bắt đầu sốt, mình cứ nằm thở như vậy. Hai tiếng sau thân nhiệt không tăng thêm, cảm giác dịu xuống dù vẫn 39 độ, nhịp tim giảm (lúc bắt đầu sốt nhịp tim 105, lúc này còn 90 nhịp/phút). Uống một viên thuốc hạ sốt và ngủ ngon, sáng hôm sau thân nhiệt về 37 độ và nhịp tim ổn định 75 nhịp/phút. Sitkari hiệu quả khi bạn sốt và thấy nóng trong người, trường hợp sốt kèm lạnh run bạn không nên thực hiện bài này mà chỉ cần hít thở tự nhiên, có thể đặt bàn tay lên bụng để quan sát hơi thở tốt hơn.
Khi đã giảm sốt, huyết áp và nhịp tim đã ổn định trở lại bạn có thể vận động nhẹ nhàng. Một lần nữa các bộ môn chú trọng luyện tập hơi thở như yoga, khí công … rất thích hợp trong hoàn cảnh này. Nếu bạn đã có thói quen tập luyện trước đó thì rất tuyệt vì bạn có thể chủ động điều chỉnh bài tập cho chính mình. Còn nếu bạn chưa biết cách tập thì có thể tìm kiếm các bài tập yoga cơ bản trên youtube. Mình để một đường link bài tập bên dưới để các bạn tham khảo (5).
5. CHUYỆN ĂN UỐNG

Khi bị sốt, bên cạnh việc uống thuốc hạ sốt bạn chú ý bù nước cho cơ thể. Nước giúp làm mát cơ thể và đào thải bớt nhiệt lượng qua đường nước tiểu. Trung bình một người uống khoảng 1.5-2l/ngày. Bạn có thể chia đều ra uống 3 buổi/ngày, mỗi buổi 3-5 ly, mỗi ly tầm 150ml, cứ cách 30 phút uống 1 ly nhỏ. Chia ra uống đều đặn thì tốt hơn uống một hơi.
Bạn nào đổ mồ hôi nhiều có thể cần uống oresol để bù điện giải. Mất nước và điện giải khi sốt có thể khiến cơ thể mệt, rối loạn nhịp tim v.v… y như mất nước và điện giải khi tiêu chảy. Một số bạn cũng có thể bị tiêu chảy sau khi tiêm. Nếu trong nhà không có sẵn oresol, bạn có thể lấy 1 lít nước lọc pha với 1 thìa cà phê muối và 8 thìa cà phê đường để thay thế.
Những ngày này nên ăn uống nhẹ nhàng, có thể ăn cháo hoặc ăn cơm, quan trọng là chọn mấy món dễ tiêu cho hệ tiêu hóa đỡ vất vả. Hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn nhanh và các món nhiều chất béo. Các thực phẩm nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa trong thức ăn nhanh và các món chiên xào nhiều dầu có thể khiến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn đang có các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng và ho có đàm thì không chỉ các món trên mà trứng, sữa cũng nên ăn vừa phải thôi. Hạn chế được chừng nào thì tốt chừng đó thôi chứ không phải không được ăn.

Nhiều người có tâm lý khi bệnh hoặc mệt phải bồi dưỡng thêm nhiều món bổ dưỡng hoặc thậm chí là đại bổ. Kỳ thực cơ thể đang mệt mà phải ăn những món ngày thường ít ăn chỉ tạo thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Trừ tình huống đặc biệt có chỉ định của bác sĩ, còn lại cứ ăn uống đơn giản nhẹ nhàng đủ chất là được nha. Đừng quên uống đủ nước, uống đều đặn trong ngày.

Nếu tới bữa ăn cảm thấy không ngon miệng có thể uống một tách nước sả gừng ấm trước ăn, bị đầy bụng khó tiêu thì uống sau ăn, có thể thêm chút đường hoặc mật ong cho dễ uống. Đây là bài thuốc nam hỗ trợ tiêu hóa. Bài này không có chanh nhé. Các bạn vắt chanh vào thì thành nước giải khát mất rồi.
6. LỜI KẾT
Trên đây là các bước chuẩn bị đơn giản và cách chăm sóc sức khỏe cơ bản cho những bạn không có bệnh nền, không bị dị ứng… nói chung là đủ điều kiện để tiêm bất cứ loại vaccine nào. Đối với những bạn có bệnh nền hoặc bị dị ứng, các bước chuẩn bị có thể cần kỹ lưỡng hơn. Để hiểu vì sao và như thế nào thì mời bạn tham khảo một chia sẻ khác nha. Bài này dài quá rồi.
Mong rằng khi chuẩn bị tốt và biết cách tự xử lý những tình huống thường gặp, bạn sẽ sớm khỏe lại và có kháng thể để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Sài Gòn, 20/08/2021
Ms. Kiều Oanh

(0) Tổng hợp tài liệu về các loại vaccine và tiêm chủng của trung tâm kiểm soát bênh tật TPHCM – HCDC: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/vac-xin-phong-covid19-a312fe5ef7e506d5c2cde4c5315d9a84.html
(1) Thông tin về vaccine Sinopharm: https://www.facebook.com/tintucYkhoa.UMP/posts/119116580465563
(2) Số điện thoại các tổ phản ứng nhanh theo từng quận tại TPHCM: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/danh-sach-to-phan-ung-nhanh-quanhuyen-86fd2e07a7d3e91dea2fc49578563ce7.html
(3) Tự theo dõi sức khỏe trong 4 tuần sau tiêm chủng: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/huong-dan-tu-theo-doi-suc-khoe-sau-tiem-vacxin-phong-covid19-b358fe58555d6848bdbf7d00eeebfa82.html và https://tuoitre.vn/hoi-dap-ve-dich-covid-19-theo-doi-tai-nha-sau-khi-tiem-vac-xin-covid-19-ra-sao-20210804082942695.htm?fbclid=IwAR27VeYx9twRMy01ZYn-d8kSnp8CtQv34oflx1Dx5vPhoPrlidVP7XvJbcQ
(4) Sốt cao sau tiêm vaccine, khi nào cần đi bệnh viện: https://ncov.moh.gov.vn/en/-/6847426-6669
(5) Video yoga cho người mới bắt đầu: https://www.youtube.com/playlist?list=PL0CyXqRmqGjuNeL82f0S8vVqNVnU5HmVf