Đó là một buổi tối khoảng 2 năm trước. Mình có hẹn tư vấn cho một bạn nam tầm 20 tuổi. Trước giờ hẹn, mình đọc một lượt các thông tin bạn cung cấp. Rải rác trong hồ sơ của bạn là những triệu chứng như sốt nhẹ về chiều, người gầy, sụt cân, ra mồ hôi trộm, hay bị ho. Có lần ho ra máu, đi khám bác sĩ nói chỉ là viêm họng hạt, không có gì đáng lo.
Ồ, một ý nghĩ chợt loé lên. Mình tra lại các triệu chứng lao phổi. Có vẻ đây không chỉ là vấn đề sức khoẻ cá nhân mà còn có khả năng lây nhiễm, mình tự hỏi nên làm gì đây.

Mới nghĩ đến đó thì bạn đã xuất hiện ở cửa. Mình lấy lý do gần đây có toà nhà đang xây dựng nhiều bụi, không tốt cho tình trạng ho của bạn để bạn đeo khẩu trang trong lúc nói chuyện. Trao đổi một lúc, bạn có vẻ cởi mở rồi mình mới nói có khả năng là bạn bị lao, nên đi kiểm tra thử xem sao.
Bạn hứa với mình sẽ đi khám nhưng sau đó không đi. Mình gọi điện cho bạn, thuyết phục bạn đi khám sớm. Bạn còn trẻ, nếu bệnh thì chữa cũng nhanh khỏi. Quan trọng là nếu để lâu hơn, bệnh nặng lên có thể quá muộn. Hơn nữa nếu lỡ bạn bị lao thật mà đi khắp nơi như vậy sẽ lây lan cho cộng đồng.
Nhưng có lẽ tâm lý của bạn không muốn đối diện với điều đó, vì nếu bị bệnh thì bạn phải bảo lưu việc học, về quê ít nhất nửa năm để chữa bệnh, gia cảnh có vẻ cũng khó khăn. Bạn dùng đủ mọi cớ để tránh né.
Cuối cùng mình phải nhờ người quen của bạn (người giới thiệu bạn tới chỗ mình) “hộ tống” bạn đi khám. Để chắc ăn, mình chỉ bạn đến BV Phạm Ngọc Thạch, ở đó chuyên về lao.
Bạn là một thanh niên mới 20 tuổi, cao ráo sáng sủa và có nghị lực. Mình cũng mong là mình nhận định nhầm, nhưng tiếc là không. Bạn được chẩn đoán mắc lao phổi. Bác sĩ khuyên bạn nhanh chóng điều trị.
Sau khi có kết quả, bạn về quê dưỡng bệnh. Mình thở phào nhẹ nhõm. Bạn còn trẻ khoẻ nên không gặp nhiều vấn đề về tác dụng phụ của thuốc. Quá trình điều trị diễn ra nhẹ nhàng. Nửa năm sau bạn khoẻ lại và quay lại Sài Gòn tiếp tục việc học.
Đó là ca tư vấn đầu tiên mình phải cố gắng thuyết phục học viên rằng họ cần điều trị. Việc thuyết phục chạm tới nhiều khó khăn trong lòng mình lẫn người đối diện. Không chỉ là tâm lý người ta không muốn chấp nhận bản thân có bệnh, mà còn tâm lý e ngại những khó khăn bất tiện của việc khám chữa bệnh, lo ngại vấn đề về tài chính cũng như sợ làm phiền đến gia đình v.v…
Đứng trước bệnh tật mới thấy đời người thật mong manh và lòng người thật yếu đuối. Sinh lão bệnh tử vốn là điều không thể tránh khỏi, cho nên sống đến từng tuổi này, mỗi sáng thức dậy thấy gia đình, bạn bè vẫn khoẻ mạnh bình an đã là cảm tạ trời đất. Khoảnh khắc hiện tại bình yên hãy trân trọng đến cùng. Sức khỏe này cũng vậy.
